Nhảy đến nội dung
Chế độ ban đêm In trang Xuất PDF Đọc nội dung
-A A +A

Ghi nhận từ lớp truyền dạy Hát then- Đàn tính tại huyện Tràng Định

       

Hát Then, đàn Tính là loại hình nghệ thuật tiêu biểu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Tày, Nùng miền núi phía Bắc. Để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát Then, đàn Tính, những năm qua, các cấp, ngành và đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở huyện Tràng Đinh đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phát triển loại hình nghệ thuật này. Nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi gắn với việc phát triển Du lịch trên địa bàn huyện.

Chúng tôi có dịp đến với lớp truyền dạy Hát then - Đàn tính, do huyện Tràng Định tổ chức mới thấy được không khí vui tươi, phấn khởi đang say mê luyện tập của các học viên, cùng với làn điệu then và cây đàn tính. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối đã thu hút được 25 học viên đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, ở mọi lứa tuổi, trong đó còn có học viên là dân tộc Kinh. Nhưng tất cả học viên đều có một điểm chung; đó là, lòng say mê với các làn điệu then. Trong thời gian 30 ngày các học viên được Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể của huyện, truyền đạt những kiến thức cơ bản, kỹ năng thực hành các làn điệu then truyền thống của dân tộc. Do bà Nguyễn Thị Bông Nghệ nhân Ưu tú ở thị trấn Thất Khê truyền dạy bằng cả tâm huyết, kinh nghiệm, tri thức và kỹ năng của mình để trao truyền di sản văn hóa hát then cho thế hệ sau.

Nói về việc truyền dạy Hát then- Đàn tính Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bông ở thị trấn Thất Khê cho biết: “Bản thân tôi là người truyền dạy hát then cho học viên ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tôi đã quyết tâm truyền những kinh nghiệm, những gì mà tôi nhận thức được để truyền đạt dễ hiểu nhất cho học viên. Các em học viên đã miệt mài học tập những bài cơ bản của đàn tính như: Luyện tay, luyện ngón rồi những nốt nhạc nằm trên đàn tính và đến nay các em đã học được 04 bài cơ bản, đệm vừa hát được một đoạn nhạc theo lan điệu Cao Bằng”

Chị Lư Thị Biền ở xã Đội Cấn đã vượt hơn 15 km đường xa để đến lớp luyện tập. Những buổi học đầu học thật khó khăn vất vả vì phần lớn học viên đều làm nghề nông chưa một lần làm quen với cây đàn tính và lời then. Nhưng với sự truyền dạy, tận tình chỉ bảo của Nghệ nhân ưu tú, Nguyễn Thị Bông đã giúp nhiều học viên đều cảm nhận được làn điệu đàn tính như là nhạc cụ “hồn cốt” của dân tộc, là cầu nối giữa con người, với con người, giữa đồng bào các dân tộc với nhau có thể dùng tiếng đàn tính thay lời muốn nói…

Với niềm đam mê, chịu khó luyện tập, chỉ qua một thời gian ngắn của họ đã làm quen và tiếp thu nhanh với làn điệu then và cây đàn tính, từng thành viên có thể biểu diễn được một số bài hát then truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng tại địa phương như: Tràng Định biên cương; lời cây đàn tính hay nhớ về Lạng Sơn…

Chị Lư Thị Biền ở xã Đội Cấn là học viên của lớp truyền dạy hát then chia sẻ với chúng tôi: “Là học viên của lớp hát then, tôi cảm nhận được cái hay cái đẹp trong lan điệu hát then, đàn tính và có khả năng thực hành một số bài hát then truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng ở địa phương. Qua lớp học, tôi sẽ cố gắng không ngừng học tập, nghiên cứu, vận dụng những kiến thức đã học giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và truyền dạy cho các thế hệ sau”.

Đây là khóa đầu tiên của huyện Tràng Định, các học viên được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành lớp truyền dạy hát then năm 2022. Sau khi trở về địa phương, các học viên sẽ tiếp tục rèn luyện nâng cao trình độ về nghệ thuật hát then và trở thành những hạt nhân nòng cốt của xã, huyện. Mỗi thành viên trong lớp có trách nhiệm bảo lưu và nhân rộng văn hóa hát then, đàn tính trong đời sống đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Từ đó tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư về việc duy trì, truyền dạy văn hóa đàn tính, hát then

Nói về việc bảo tồn văn hóa phi vật thể trong những năm tiếp theo bà Lục Thị Phương, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng VHTT huyện cho biết thêm: “Huyện Tràng Định là vùng đất có bề dày văn hóa truyền thống lịch sử cách mạng, đã để lại cho huyện nhiều di sản vô cùng quý giá, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể. Để bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể,đối với ngành văn hóa sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, cụ thể mở thêm các lớp truyền dạy hát then nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Tràng Định”

Ngày nay, các làn điệu Then, Tính không chỉ là món ăn tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số mà nội dung của các bài Then rất phong phú, đa dạng như: Ca ngợi về Đảng, Bác Hồ kính yêu và ca ngợi về tình yêu quê hương, bản làng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa và đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ sáng tạo văn hóa văn nghệ quần chúng. Tiến tới hình thành các sản phẩm văn hóa- du lịch phục vụ khách tham quan khi đến với địa phương…Qua đó, giúp bà con hiểu biết hơn, đoàn kết hơn trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

                                                          Thực hiện: Thu Kỳ- Quốc Thăng

                                         Trung tâm VH, TT và Truyền Thông huyện Tràng Định