Văn hóa - Xã hội

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ gìn bản sắc đám cưới người Dao ở Lũng Slàng, Tri Phương

Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đặc trưng ở mỗi vùng miền. Những năm qua, người Dao đỏ thuộc thôn Lũng Slàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định đã tiến hành phục dựng lại đám cưới truyền thống của người Dao, với trang phục rất riêng chỉ có của người dân nơi đây. Qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của người Dao đỏ xã Tri Phương nói riêng và các dân tộc khác trên địa bàn huyện Tràng Định nói chung.

Hình ảnh minh họa

Ngay từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại thôn Lũng Slàng, xã Tri Phương để chứng kiến không khí lễ rước dâu của cô dâu Trần Thị Vân và chú rể Triệu Quang Quý. Theo như phong tục truyền thống, cô dâu trước khi ra cửa phải khoác lên mình bộ trang phục Dao đẹp nhất do chính họ tự tay thêu thùa. Để mặc được bộ trang phục người Dao, ít nhất phải có từ 2 hoặc 3 người trợ giúp mới có được sự ưng ý. Ngoài việc mặc trang phục, người Dao đỏ còn có các phụ kiện như xà cột đôi chân sao cho thon thả, sau cùng là đến vòng cổ, hoa tai, khăn xếp cũng được chỉn chu từng chi tiết nhỏ. Trong vòng 1 tiếng đồng hồ chuẩn bị trang phục, đúng 6h sáng nhà trai đến đón dâu và các nghi lễ rước dâu cũng được thực hiện theo phong tục truyền thống. Nét đặc sắc của đoàn rước dâu được cất lên từ tiếng khèn của người Dao, trong đó người thổi khèn là người trưởng đoàn có uy tín được nhà trai lựa chọn để đi đầu tiếp đó là cô dâu chú rể và sau cùng là các nam thanh nữ tú cùng đại diện họ nhà gái mặc trang phục truyền thống.

Hình ảnh minh họa

Xúng xính trong bộ trang phục Dao đỏ đến tham dự đám cưới, chị Triệu Thị Khê, sinh năm 1989, ở thôn Lũng Slàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định bày tỏ: “Hôm nay em đến tham dự đám cưới, em đã chọn bộ trang phục mang bản sắc của dân tộc mình. Được khoác lên mình bộ trang phục dân tộc, em cảm thấy rất vui và tự hào về truyền thống dân tộc mình. Ngoài việc mặc trang phục dân tộc vào các ngày cưới, hỏi, em còn mặc đi tham gia giao lưu biểu diễn văn hóa, văn nghệ giữa các thôn trong xã, trong huyện. Mặc trang phục Dao đỏ em thấy toát lên vẻ đẹp của người con gái Dao nên em sẽ thường xuyên và duy trì mặc trang phục truyền thống của mình”.

Với đặc thù, thôn Lũng Slàng nằm trong một thung lũng, đứng từ xa phóng tầm mắt về phía thôn ngắm toàn cảnh giống như một lòng chảo, biệt lập với các thôn, xã khác. Điều đặc biệt, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn giữ nguyên sơ với nếp nhà sàn truyền thống. Được biết, thôn có tổng số 37 hộ, 187 nhân khẩu. Trong đó, hơn 90% là đồng bào dân tộc Dao cùng đoàn kết gắn bó. Từ việc nhận thức đúng đắn về những giá trị truyền thống mà cha ông truyền lại, ngoài việc lưu giữ trang phục truyền thống, phong tục tập quán như tổ chức đám cưới, đám hỏi cũng được đẩy mạnh và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Qua đó càng củng cố thêm tình đoàn gắn bó, xây dựng cuộc sống no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.

Một góc thôn Lũng Slàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định

Nói về việc giữ gìn và phát huy bản sắc trang phục dân tộc của người Dao đỏ, ông Triệu Văn Phú, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lũng Slàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định chia sẻ: “Để giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống của người Dao chúng tôi. Cứ vào mỗi dịp lễ, tết, đám cưới, đám ăn hỏi,… chúng tôi vận động bà con từ già đến trẻ ai nấy đều mặc trang phục truyền thống và đến nay đã trở thành nếp sinh hoạt của bà con trong thôn. Ngoài việc mặc trang phục truyền thống, chúng tôi còn tuyên truyền vận động các chị em biết cắt may, thêu thùa để làm nên những nét tinh xảo của bộ trang phục truyền thống cần truyền lại cho thế hệ trẻ để không bị mai một”.  

Có thể nói, cùng với xu thế hội nhập, ngày nay nhiều trang phục truyền thống đang dần bị mai một thay vào đó là những chiếc váy cưới hiện đại, đẳng cấp  trở nên quý phái, sang trọng đã thu hút giới trẻ lựa chọn trong ngày trọng đại của đời mình. Việc tổ chức đám cưới người Dao ở thôn Lũng Slàng sẽ giúp cho giới trẻ sẽ thêm tự hào hơn về bản sắc dân tộc dao của mình. Từ đó sẽ góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc tại địa phương đảm bảo thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 57 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển Du lịch gắn với khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lịch sử huyện Tràng Định giai đoạn 2021 - 2030./.

Thực hiện: BÍCH LẠI - LƯƠNG MINH

Trung tâm VH,TT & Truyền thông huyện Tràng Định

 


Tác giả: BÍCH LẠI - LƯƠNG MINH Trung tâm VH, TT & Truyền thông Tràng Định
Nguồn:trangdinh.langson.gov.vn Sao chép liên kết