Tràng Định nỗ lực mở các lớp xóa mù chữ
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đặt mục tiêu đến năm 2025 có 90% người độ tuổi từ 15 trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông, huyện Tràng Định đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tính đến tháng 12/2024, huyện Tràng Định đã mở được 21 lớp xóa mù chữ, mức độ 1 và mức độ 2.
Tràng Định là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lạng Sơn với hơn 30% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng nên ở các thôn bản vùng cao, biên giới vẫn còn nhiều người chưa biết chữ. Huyện Tràng Định đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học; đồng thời củng cố hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các lớp xóa mù chữ. Đồng chí Bàn Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Yên, huyện Tràng Định cho biết: “Trên địa bàn xã Tân yên, đối với tỷ lệ mù chữ còn khoảng 20%, qua quá trình vận động, đến thời điểm hiện nay xã cũng đã mở được 2 lớp, lớp thứ nhất được 15 học viên, lớp thứ hai được 21 học viên, qua tổng kết các học viên đã đọc thông, viết thạo và hoàn thành các chương trình học tập theo đúng theo yêu cầu khóa học đề ra”.
Học viên lớp xóa mù chữ xã Khánh Long
Là một trong số những học viên được tham gia các lớp xóa mù chữ, chị Triệu thị Thiểm, sinh năm 1978, trú tại xã vùng cao Tân yên giờ đây mới có điều kiện để theo học lớp xóa mù chữ do xã Tân Yên và Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện tổ chức. Được biết, trước đây, gia đình chị khó khăn nên mới hết lớp 3. Khi biết xã tổ chức lớp xóa mù chữ, chị đã rất vui và đăng ký ngay để tham gia lớp học. Nhờ sự cần cù, chăm chỉ học tập, đến nay, Chị Thiểm đã biết viết chữ và đọc thông thạo, đồng thời biết sử dụng phép tính cộng trừ nhân chia trên các thiết bị điện thoại di động. Chị Triệu Thị Thiểm, Học viên lớp xóa mù xã Tân yên, huyện Tràng Định chia sẻ: “Bản thân tôi được tham gia lớp học xóa mù chữ, đến nay tôi viết được chữ và đọc được thành thạo. Cũng như khi sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh tôi đọc và soạn tin nhắn được. Khi đi đâu làm giấy tờ các thủ tục hành chính tôi cảm thấy rất yên tâm vì mình kí và viết được chữ”.
Điều dễ nhận thấy, phần lớn các học viên tham gia lớp xóa mù chữ đều là nông dân, quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, khi tham gia các lớp học xóa mù chữ, họ càng trở nên bận rộn hơn. Do đó, để thu hút học viên đến lớp và học viên tiếp thu bài học tốt, giáo viên phải linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên sử dụng tiếng đồng bào kết hợp tiếng phổ thông để đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ; xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học; gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Nhờ đó, qua quá trình học tập của các học viên đã đạt được hiệu quả thiết thực. Góp phần trong việc thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ trên địa bàn huyện Tràng Định. Bà Nguyễn Thị Đào, Phó trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tràng Định cho biết: “Thực hiện mở các lớp xóa mù chữ với mục tiêu là tạo cơ hội để cho mọi người dân, đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các hệ thống giáo dục mở đa dạng, linh hoạt, liên thông với những mô hình phương thức và trình độ khác nhau. Trong năm 2024 chúng tôi đã mở được 21 lớp, 364 học viên, với trình độ ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của chương trình xóa mù theo quy định của chính phủ”.
Với sự nỗ lực quyết tâm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên sẽ góp phần trong việc xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó từng bước thực hiện có hiệu quả chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2021 -2025./.
T/h: BÍCH LẠI - THU KỲ
Trung tâm VH, thể thao và Truyền thông huyện Tràng Định