A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện họp khẩn với các xã, thị trấn; các đơn vị về diễn biến mới của Châu chấu tre trên địa bàn huyện

Tính đến thời điểm ngày 02/6, trên địa bàn huyện Tràng Định đã xuất hiện Châu chấu tre lưng vàng hại ngô, lúa, tre, nứa, vầu… tại 5 xã Đại Đồng, Hùng Việt, Khánh Long, Hùng Sơn và Chí Minh. Châu chấu đang giai đoạn trưởng thành ban ngày tập trung ở bờ bụi xung quanh, chiều tối xuống hại cây ngô, nguy cơ hại các vườn ngô, lúa xung quanh rất cao.

Để kịp thời ngăn chặn tác hại của Châu chấu trên địa bàn. Ngày 02/6/2024, đồng chí Nguyễn Tuấn Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy và đồng chí Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện đã chủ trì cuộc họp khẩn với UBND 22 xã, thị trấn; Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp; Hạt Kiểm lâm và Trung tâm VH, TT & Truyền thông huyện yêu cầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì tham mưu cho UBND việc điều tra, phát hiện, dự báo khả năng phát sinh, phát triển của loài Châu chấu chủ động các phương án phòng trừ kịp thời, đặc biệt chú ý những điểm đã gây hại nặng những năm trước; theo dõi, xác định vị trí di chuyển của Châu Chấu tre để có biện pháp xử lý; chủ động, kịp thời báo cáo đề xuất UBND huyện biện pháp xử lý khi cần thiết.

Chủ tịch UBND xã, thị trấn trực tiếp chỉ đạo khoanh vùng, triển khai ngay các biện pháp diệt trừ, không để đàn Châu Chấu phát triển, lây lan ra diện rộng và chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác về UBND huyện qua Trung tâm Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện bằng các hình thức như: điệnthoại, hệ thống zalo, mạng xã hội..., trước 11h buổi sáng 17h buổi chiều hàngngày để tổng hợp báo cáo. Đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để Châu chấu tiếp tục phát triển thành dịch bệnh trên diện rộng tại địa bàn.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chủ động phân công cán bộ phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, thông tin tuyên truyền về mức độ nguy hại của Châu chấu tre; hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra vườn ngô, đồi rừng (tre, nứa, vầu, ...), đồng ruộng, khu vực bìa rừng, khe dọc... để kịp thời phát hiện sớm, triển khai ngay các biện pháp phòng trừ ngay ở diện hẹp, không để phát sinh thành dịch. Chủ động các phương án phòng trừ, huy động nguồn lực tại địa phương để phòng trừ Châu chấu tre đồng loạt bằng các biện pháp tổng hợp, không để phát tán gây hại trên diện rộng. Thường xuyên cập nhật tình hình và báo cáo Chủ tịch UBND huyện thường xuyên hàng ngày vào các khung giờ: 11giờ 30 phút và 17 giờ 30 phút; báo cáo kịp thời các phát sinh về tình hình Châu chấu gây hại trên địa bàn.

Đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện, chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn bám nắm tình hình; chủ động phối hợp với các xã và các đơn vị có liên quan thực hiện các phương án phòng trừ Châu chấu gây hại theo quy trình kỹ thuật.

Cùng với đó, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các địa bàn giáp ranh với huyện Bình Gia và Thạch An (Cao Bằng) có nguy cơ châu chấu di chuyển khi hết nguồn thức ăn cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, dự báo khả năng phát sinh, phát triển của loài châu chấu, chủ động phương án phòng trừ kịp thờ, theo dõi, xác định vị trí di chuyển của châu chấu tre để có biện pháp xử lý, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của đàn châu chấu đến hoa màu, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Thời điểm này, phun phòng trừ rất tốt do bộ cánh của châu chấu chưa phát triển hoàn thiện, nếu sang tháng 7, bộ cánh châu chấu hoàn thiện, tốc độ di chuyển  nhanh hơn thì thiệt hại càng lớn, quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật không những giảm tác dụng mà còn ảnh hưởng nhiều đến môi trường

Được biết, châu chấu tre lưng vàng có vòng đời dài, thời gian sống và phá hại khoảng 5 – 6 tháng trong năm, châu chấu trưởng thành có thể bay xa, di chuyển nhanh thành từng đàn, sức tàn phá lớn và rất khó kiểm soát. Về biện pháp phòng trừ châu chấu tre lưng vàng chỉ có cách phun thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ, do đó, để ngăn châu chấu tre lưng vàng lan rộng, gây hại cây trồng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện hướng dẫn người dân tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc như: Neretox 95WP, Tofedo 240SC…Theo đó, tổ chức thành các tổ, đội dịch vụ phun tập trung, dùng bình phun hoặc máy động cơ phun bao vây xung quanh ổ dịch, phun cuốn chiếu từng khu vực. Người dân nên phun thuốc vào buổi sáng sớm, hoặc chiều tối. Cách phun hiệu quả nhất là phun bao vây, chủ động từ các hướng trở vào. Cùng với phun thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng, người dân kết hợp dùng vợt bắt để ngăn châu chấu phá hoại cây trồng, hoa màu.

Mặc dù các diện tích xuất hiện Châu chấu trước đó đã được phun thuốc phòng trừ, không có thiệt hại lớn xảy ra, nhưng theo dự báo của ngành chức năng, trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào là điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của châu chấu, tiềm ẩn nguy cơ hình thành những ổ dịch. Vì vậy, đối với địa bàn đang xuất hiện châu chấu gây hại sau khi thực hiện phun trừ bao vây các ổ dịch, các cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp rà soát để xác định diện tích nhiễm, đồng thời khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồi rừng, thăm đồng để phát hiện chấu chấu gây hại, kịp thời báo chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn có biện pháp xử lý./.

Thực hiện: LƯƠNG MINH

Trung tâm VH, TT & Truyền thông Tràng Định

 


Tác giả: PV Lương Minh TTVHTT&TT
Nguồn:trangdinh.langson.gov.vn Sao chép liên kết

Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online: 1
Hôm nay: 243
Trong tháng: 8.389
Tất cả: 134.099