A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tràng Định đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc bền vững

Tràng Định là huyện miền núi, với lợi thế sẵn có như đồng cỏ, phụ phẩm nông nghiệp, nhân lực... để phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng trang trại, gia trại. Đây được xem là hướng đi hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn, thiếu vốn nên anh Hoàng Văn Khánh, thôn Bản Pìoong, xã Hùng Sơn huyện Tràng Định chỉ nuôi 1 - 2 con trâu, bò lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau khi, nhận thấy chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế nên anh Khánh mạnh dạn vay vốn đầu tư vào chăn nuôi bò sinh sản. Năm 2018, thông qua Hội Nông dân xã Hùng Sơn, gia đình anh được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mua 7 con bò sinh sản về nuôi. sau 1 năm đầu tư chăm sóc 7 con bò đã sinh sản lứa bê đầu tiên. Từ đó cho đến nay anh Khánh đã duy trì mô hình chăn nuôi này, hiện tại anh có 20 con, trung bình mỗi năm anh xuất từ 4 - 6 con, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm. Từ lợi nhuận số tiền bán bò, đã giúp anh mua đồ dùng sinh hoạt trong gia đinh, hiện anh đang xây nhà mới và tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi ổn định hơn. Anh Hoàng Văn Khánh, thôn Bản Pìoong, xã Hùng Sơn huyện Tràng Định chia sẻ: “ Hiện tai anh mong muốn có thể vay thêm được vốn để xây dựng lại chuồng trại và xử lý chất thải của bò” .

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản ông Nguyễn Khắc Quỳnh, thôn Quyền A1, xã Hùng Sơn

Cũng được hỗ trợ vay vốn thông qua tổ chức Hội nông dân ông Nguyễn Khắc Quỳnh, thôn Quyền A1, xã Hùng Sơn đã chọn cho mình hướng phát triển kinh tế chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại. Với đức tính cần cù, ham học hỏi và không cam chịu đói nghèo đã giúp gia đình ông Quỳnh xây dựng thành công mô hình nuôi bò sinh sản. Hiện gia đình ông luôn duy trì từ 15 đến 20 con bò sinh sản, có thời kỳ cao điểm lên tới gần 30 con. Gia đình ông Quỳnh nuôi bò chủ yếu để bán giống chứ không phải nuôi để bán thịt, nên thu nhập rất ổn định vì nhu cầu giống bò hiện nay rất cao. Hiện 1 con bê con sau khi sinh được chăm từ 8 đến 10 tháng thì bán được giá từ 14 đến 16 triệu đồng, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Ông Nguyễn Khắc Quỳnh, thôn Quyền A1, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định chia sẻ: “Tôi thực hiện dự án này cách đây 3 năm. Hiện tại chuồng bò cũng đã ổn định, đàn bò phát triển bình thường. Tôi thấy mô hình này cũng phát triển được vì mình tận dụng được những phụ phẩm nông nghiệp”.

Để tạo nguồn vốn vay, giúp hội viên xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu là việc làm luôn được Hội Nông dân xã Hùng Sơn quan tâm thực hiện. Tính đến năm 2023 Hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hơn 120 hộ hội viên được vay hơn 6 tỷ 247 triệu đồng để phát triển kinh tế. hiện tại Hội đang quản lý 13 dự án gồm chăn nuôi bò sinh sản và trâu, bò thịt. Qua công tác kiểm tra cho thấy, các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Ông Ma Văn Tú, Chủ tịch Hội nông dân xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định cho biết: “Trong những năm qua trên địa bàn xã Hùng Sơn có 13 mô hình chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi trâu và bò. Thông qua Hội Nông dân xã cũng đã giúp cho các hội viên tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng để đầu tư vào phát triển sản xuất  mang lại hiệu qua kinh tế cho bà con nông dân trên địa bàn”.

Hiện tại tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện có khoảng trên 4.500 con, đàn ngựa có 365 con; Từ sự trợ lực của Hội nông dân huyện trong việc kiến tạo, giúp hội viên phát triển kinh tế theo hướng đi đúng bằng cách làm hay cộng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hội viên nông dân huyện Tràng Định đến nay đã hình thành nên nhiều mô hình mới chăn nuôi theo hướng bền vũng và mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Lộc Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tràng Định: “Thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và vận động phòng trào nông dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Trong những năm vừa qua Hội Nông dân huyện Tràng Định đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, vân động hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế, đặc biệt là Hội Nông dân huyện đã đứng ra phối hợp với các tổ chức tín dụng, để tín chấp vay vốn Ngân hàng CSXH và quỹ hỗ trợ nông dân để cho hội viên vay phát triển kinh tế từ đó đã có nhiều mô hình bước đầu làm ăn có hiệu quả”.

Mô hình nuôi bò sinh sản của các gia đình, ở xã Hùng Sơn tuy không mới, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại là không thể phủ nhận. Mô hình này đang được nhân rộng trong nhiều hộ dân ở trên địa bàn toàn huyện. Hy vọng rằng sẽ có nhiều gia đình hội viên khác học tập mô hình này để phát triển chăn nuôi gia súc bền vững đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương./.

 Bài, ảnh: QUỐC THĂNG – NÔNG DƯ

Trung tâm VH,TT & Truyền thông huyện Tràng Định

 


Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online : 2
Hôm nay : 171
Trong tháng : 13.196
Tất cả : 43.826