Triển vọng từ phát triển mô hình chăn nuôi Ngựa Bạch tại huyện Tràng Định
Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Tràng Định đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ của nghị quyết và có những bước “chuyển mình” rõ nét.
Mô hình nuôi ngựa bạch tại thôn B2, xã Tri phương, huyện Tràng Định
Trong số những mô hình phát triển kinh tế được vay nguồn vốn theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh trên địa bàn huyện Tràng Định phải nói đến mô hình chăn nuôi ngựa bạch của gia đình ông Lý Văn Mằn, khu 4 thị trấn Thất Khê. Được biết từ tháng 3 năm 2022, ông Mằn làm dự án phát triển kinh tế chăn nuôi ngựa bạch tại thôn B2 xã Tri Phương với tổng vốn trên 2 tỷ đồng, trong đó ông vay theo chương trình Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh là 1,9 tỷ đồng, vốn đối ứng của gia đình là 200 triệu đồng để đầu tư vào chăn nuôi, kinh phí xây dựng chuồng trại trên 100 triệu đồng, số còn lại ông dùng để mua con giống và thức ăn. Khu chăn nuôi rộng hơn 1.000m2 được chia thành 2 dãy chuồng nuôi nhốt 34 con ngựa bạch. Sau một năm chăm sóc đến nay mỗi con có trọng lượng 70 đến hơn 100 kg. Việc chăn nuôi ngựa bạch được tập trung phát triển theo ba hướng: Nuôi để lấy thịt, nấu cao và bán con giống. Ngựa nhỏ 5 tháng tuổi có giá 35 triệu, ngựa cái 40 triệu, ngựa đực trưởng thành có thể bán 90 đến hơn 100 triệu đồng/con. Đây là một trong những hướng phát triển mới mang lại hiệu quả cao giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng. Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Mằn, Khu 4 thị trấn Thất Khê cho biết: “Hiện tại tôi đang có 34 con ngựa, sau này trưởng thành tôi muốn cung cấp cho thị trường, chố nào đáp ứng được tôi đáp ứng, còn sau này cũng có dự định sẽ nấu cao cung ứng ra thị trường”.
Là giống ngựa đã được thuần hóa, việc chăm sóc cũng không quá khó. Gần 2ha đất đồi, đất bãi được ông trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn chính cho ngựa. Ngoài ra, ông cũng bổ sung thêm thức ăn tinh như: Bột ngô, thóc được chuyển hóa nấu thành rượu, lấy bã rượu để làm thức ăn cho ngựa rất tốt đảm bảo khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt. Đồng thời, công tác phòng, trị bệnh cho đàn ngựa được ông đặc biệt quan tâm như: kỹ thuật vệ sinh, tiêu độc, sát trùng chuồng trại, cách ly, tiêm vắc xin phòng bệnh…nên đàn ngựa luôn sinh trưởng, phát triển tốt, đã và đang mạng lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần nâng cao đời sống của bà con. Bà Nông Thị Hường, thôn B2 xã Tri Phương, là người chuyên chăm sóc đàn ngựa chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, chi cho biết: “Để nuôi ngựa đạt hiệu quả thì phải có sự chăm sóc tốt, khẩu phần ăn hằng ngày phải đủ số lượng thức ăn xanh và thức ăn tinh, biết cách tiêm phòng bệnh cho đàn ngựa. Ngoài ra, muốn ngựa nhanh lớn và cho năng suất thịt cao thì trước khi mua giống về cần tẩy giun sán, sau khoảng 4 – 5 tháng cần tẩy tiếp lần hai, đồng thời phải giữ vệ sinh chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ”.
Mô hình chăn nuôi ngựa bạch của ông Mằn là mô hình phát triển chăn nuôi mới theo hướng bán công nghiệp, rất độc đáo, điển hình và cho hiệu quả kinh tế cao. Hội nông dân xã cũng vận động bà con nông dân trực tiếp đến thăm quan, học tập kinh nghiệm từ gia đình ông Mằn để nhân rộng mô hình. Từ đó thúc đẩy phong trào phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Ông Bế Văn Đạo, Chủ tịch Hội nông dân xã Tri Phương cho biết: “Tổ chức Hội Nông dân chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho bà con về chủ trương, đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước và tuyên truyền về các chính sách vay vốn theo Nghị quyết 08 nhằm giúp cho nông dân được biết và tiếp cận được nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi, để ngày càng có thêm nhiều mô hình phát triển sản xuất, qua đó gúp bà con nông dân làm giầu trên chính mảnh đất quê hương mình”.
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Dự án “Chăn nuôi ngựa bạch ” ở xã Tri Phương bước đầu đã có những tín hiệu tích cực, điều đó cho thấy nguồn vốn từ Nghị quyết 08 chính là động lực quan trọng giúp người nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng các mô hình sản xuất. Tin tưởng rằng, Dự án sẽ tiếp tục được thực hiện thành công để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn./.
Bài, ảnh: QUỐC THĂNG – NÔNG DƯ
Trung tâm VH,TT và Truyền thông Tràng Định